Thế giới liên tục phát triển và con người dần tìm ra nhiều giải pháp sạch để ứng phó với biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học trên thế giới đã và đang tiến hành tìm ra những giải pháp năng lượng có khả năng tái tạo để thay thế các nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt và gây ô nhiễm.
Kính pin mặt trời
Một nhóm nhà khoa học tại Ulsan National Institute of Science and Technology (Hàn Quốc) – UNIST, đứng đầu là Kwanyong Seo đã sáng chế ra những tấm kính pin mặt trời vô cùng sáng tạo. Những nhà khoa học Hàn Quốc tin rằng pin mặt trời không thể chỉ dừng ở những tấm pin mặt trời trên mái nhà mà những tấm kính pin mặt trời sẽ dẫn tới con đường đột phá trong lĩnh vực khoa học của nhân loại.
Bằng cách đục lỗ theo chiều ngang trên những tấm kính, các nhà khoa học đã tìm ra cách để biến những tấm kính thành một tấm lưới trong suốt có những lỗ đục vừa đủ to để ánh sáng lọt qua. Với ý tưởng này, các nhà khoa học đang hướng tới việc tăng hiệu quả của tấm kính pin mặt trời này lên tới 15%, một sự vượt bậc khó tin.
Mái ngói pin mặt trời
Công ty Dyaqua (Italia) đã vượt qua lệnh cấm pin mặt trời trong những công trình kiến trúc lịch sử của Italia để hướng tới một giải pháp vừa không làm mất thẩm mỹ, vừa hướng tới một dạng năng lượng xanh. Họ đã chế tạo ra “mái ngói pin mặt trời”. Ánh sáng tiếp xúc với bề mặt của những tấm mái ngói để truyền năng lượng vào những chiếc pin mặt trời được ẩn sâu bên trong những tấm mái ngói này.
Từ đây, các nhà khoa học của công ty Dyaqua thu thập ánh sáng mặt trời để tạo thành năng lượng điện, rồi điện được truyền xuống để được dùng như điện mặt trời bình thường. Vì bị hạn chế bởi hình dạng và thiết kế của tấm mái ngói nên không thể hoạt động tốt bằng với chiếc pin mặt trời thông thường. Tuy nhiên, khá nhiều dự án xây dựng những di tích lịch sử Châu Âu đều áp dụng mái ngói này.
Pin biết “thở”
Phát minh pin biết “thở” của công ty Form Energy (Mỹ) có thể là một trong những sáng chế nổi bật nhất. Những cục pin lithium bình thường sau một thời gian sẽ bị rỉ, và quá trình chuyển hóa điện bị hao phí dần, khi những cục pin không còn thực hiện quá trình này tốt như trước. Tuy nhiên, những cục pin của công ty Form Energy thì khác. Các cục pin “hít” oxy vào, cố tình khiến sắt bị rỉ và sinh ra năng lượng (electron). Sau khi các bộ máy thu hoạch năng lượng xong, các cục pin lọc phân tử oxy khỏi sắt – còn được gọi là “thở ra” – để quay ngược dòng quá trình sắt bị rỉ, và bắt đầu lại từ đầu. Những cục pin này có thời gian hoạt động lâu hơn, 100 tiếng đồng hồ và bằng khoảng 4 ngày liên tiếp – thời gian chịu đựng lâu hơn pin lithium bình thường.
Ngoài 3 sáng kiến khoa học thú vị mang tới giải pháp về năng lượng xanh được nhắc đến ở trên, bạn còn biết thêm những sáng kiến nào khác nữa không?
Bài và tranh minh họa: Bảo Ngọc
Lớp 6, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Tp.HCM
Leave a Comment