Tớ đang ngồi mân mê với những quyển sách mẹ mới mua cho thì em Hưng chạy ùa vào, hổn hển nói:
– Chị… Chị Nấm ơi, chị quên, quên hôm nay là, là Tết Trung Thu à?
– Hả! – Tớ bật dậy, không tin là em tớ đang nói thật.
Trời ơi, chính tớ là người mong ngày Tết Trung Thu nhất, cũng chính tớ là người suốt ngày tính nhẩm xem còn bao nhiêu ngày nữa là đến Tết Trung Thu mà cuối cùng tớ lại là người duy nhất không biết rằng hôm nay là Tết Trung Thu! Tớ quên phắt mấy quyển sách mẹ mới mua cho, chạy ra ngoài sân.
Mới hôm qua, trời âm u, Trăng mới lên còn chưa tròn hẳn đã bị những đám mây vây quanh, che mờ hết ánh sáng. Mà hôm nay, Mây hình như cũng đi chơi Trung Thu cũng các bạn Sao nhỏ rồi, trời quang và như cao hơn vì Trăng tròn vành vạnh, chiếu sáng mọi ngõ ngách, đường quê, tựa đang háo hức với bao trò chơi của chúng tớ.
Cái nóng nực, oi ả của mùa hè đã đi đâu mất. Trời vào thu, gió nhè nhẹ thổi, xào xạc từng cành cây trong vườn, không khí dễ chịu làm sao!
Ở ngoài sân, các bạn ai cũng tay cầm đèn ông sao, đèn cá chép,… Có bạn còn đeo cái đầu con lân nhỏ, có bạn lại đeo mặt nạ Ông Địa, tay phe phẩy cái quạt me. Tiếng trống hội, tiếng hát vang xa: “Tùng dinh dinh là tùng tùng dinh dinh, ơi ánh sao vui ánh sao sáng ngời….”
Ngay đầu ngõ, các bác phụ huynh đã bày 1 bàn phá cỗ, xinh ơi là xinh, có chú cún con làm từ tép bưởi, chú cá hồng xinh xinh với 2 mắt đen tròn từ quả thanh long, thỏ răng trắng tai dài đang cười toe toét từ quả bưởi xanh, những chú cú mèo đáng yêu từ quả táo đỏ, ếch xanh từ quả su su nữa… ôi bao nhiêu là nhân vật đáng yêu!
Tớ chạy vụt vào nhà, lục tung cả cái giỏ đồ chơi lên mà chẳng thấy chiếc đèn lông ông sao của tớ đâu. Tớ lo lắng lục soạt lại lần nữa, cái giỏ vẫn không có chiếc đèn nào xuất hiện, buồn thỉu buồn thiu.
Chú Thái liền bảo:
– Thôi, đừng tìm nữa, chắc ai vứt nhầm rồi, để chú giúp làm cái khác cho!
Nói rồi, chú lấy hai lon bia, keo, và màu vẽ,… Tớ tự trang trí đèn lồng của tớ với những bông hoa màu xanh, màu đỏ, màu tím,… Sau đó, chú Thái lấy dao khoét cái nắp lon đi, rạch từng đường nhỏ trên cái lon bia, hơi ép nó xuống rồi thắp một cây nến, nhẹ nhàng đặt vào trong lon bia. Chú còn khoét hai lỗ nhỏ hai bên lon bia, luồn hai dây thép vào rồi uốn nó vào một cái gậy, và cuối cùng chiếc lồng đèn mới của tớ đã ra lò!
Mẹ nhìn thấy tớ cầm đèn chuẩn bị ra ngõ liền bảo:
– Ôi, nó giống hệt chiếc đèn lồng ngày bé ông ngoại làm cho mẹ, ánh sáng từ cây nến xoay tròn chiếu sáng phía trước. Cảm ơn con gái vì đã cho mẹ một vé đi chơi trung thu ngày thơ bé của mẹ nhé!
Đi đến đâu, chiếc đèn lồng của hai chị em tớ đều trở nên thật khác biệt với những chiếc đèn nhựa màu xanh màu đỏ, những chiếc đèn phát nhạc, phát sáng lấp lánh. Chiếc đèn tự chế của chị em tớ thật đơn giản nhưng lại sáng rõ, thật nổi bật, mọi người cùng đều khen:
– Ôi, Nấm có cái đèn lồng đẹp quá! Cho tớ mượn chút đi!
– Chà! Ai làm cho Nấm đấy? Xinh quá! Tớ cũng muốn có một chiếc!
Thế rồi từ hai đầu ngõ, hai con lân, con đỏ, con vàng nhảy xổ ra chồm lên rồi chạy về phía chúng tớ. Chúng tớ cứ chạy theo con lân, lúc lúc nó lại chồm lên, lắc lắc cái đầu, lúc lại dừng lại thở phì phò, trông cứ như con lân thật vậy. Bác trưởng làng còn vác cả cái loa ra mở nhạc Trung Thu, thế là trên nền nhạc ấy, chúng tớ nhảy múa, hát ca, rồi lại chơi đồ cứu, chơi đuổi bắt,… Tiếng cười giòn giã vang vọng cả khu xóm.
Khi về nhà, em Cua vẫn còn lưu luyến chiếc đèn lồng đặc biệt, chưa chịu cất đi, mẹ phải bảo tắt nến cho đèn nghỉ ngơi để cả nhà cùng phá cỗ thì em mới chịu. Mẹ, tớ và em trai tớ chuẩn bị cho cỗ Trung Thu, còn bố tớ chuẩn bị một bộ phim thật hay mang tên “The Lion King”. Cả nhà quây quần bên nhau thật ấm cúng. Có biết bao nhiêu là bánh kẹo ngon, và tất nhiên phải có bánh nướng và bánh dẻo Trung Thu rồi. Tớ mỉm cười thì thầm vào tai mẹ:
– Mẹ à, con biết tại sao người ta hay gọi Tết Trung Thu là Tết Đoàn Viên rồi. Bởi nó là ngày mọi người đều quây quần bên nhau, bên mâm cỗ ấm cúng!
Cao Ngọc Nhã Uyên (Lớp 6, Trường DGS)
Chúc con gái luôn giữ được lửa của “ngòi bút”, hãy thắp sáng bằng nỗ lực, và tình yêu viết nhé con