Bí quyết của cô bé đam mê tái chế

Tôi gặp Lý An Khanh (lớp 7, trường quốc tế Việt Úc) tại một workshop của Xưởng Kéo Cùn và Vải Mộc. Nói chuyện với An Khanh, tôi còn phát hiện ra bạn cũng ở trong nhóm phóng viên nhí kể chuyện năng lượng. Chúng tôi thao thao bất tuyệt về những kiến thức đã học được từ dự án, rủ nhau làm chung thêm nhiều điều để bảo vệ môi trường.

“Lĩnh vực năng lượng thì rộng lắm, chúng ta có thể làm những việc nhỏ thôi như là bảo vệ môi trường này”, lời An Khánh nói khiến tôi thấy hiểu ra… Trước đó, tôi rất sợ những kiến thức năng lượng, không biết phân biệt các dạng năng lượng. Nhưng tôi có thể bắt đầu tìm hiểu dần, hiểu cái gì trước thì làm cái đó. Và hiện tại là việc tái chế, tôi hoàn thành có thể làm được.

Chúng mình cùng “hô biến” cho những chiếc chai nhựa, thiếc thành những vật dụng xinh xắn nhé!

Nói chuyện với An Khanh, tôi còn được biết ngoài việc rất năng nổ trong các hoạt động học tập ở trường, bạn còn thường xuyên dành thời gian cho các hoạt động về tái chế, bảo vệ môi trường nữa. Bạn đã hướng dẫn tôi cách hóa trang cho chai nhựa và hộp thiếc.

Bạn nói: “Chất thải nhựa, lon thiếc đang chiếm phần lớn gây ô nhiễm môi trường. Nhưng nhiều người tái chế theo kiểu chỉ trang trí lại, không sử dụng được. Còn tớ luôn học cách để tái chế là dùng được”. Lời bạn nói khiến tôi nhớ đến những hoạt động tái chế mà sản phẩm cuối cùng lại… đi đâu chẳng rõ. Nhiều thứ còn trở thành rác hại cho môi trường.

“Tái chế phải gắn với tái sử dụng”, An Khanh nói. Và chúng tôi cùng thực hành nhiệm vụ đầu tiên là tái chế những chiếc chai nhựa để tạo ra món đồ gia dụng hữu ích, và vật trang trí dễ thương trong nhà.

Những sản phẩm tái chế, tái sử dụng khác mà An Khanh tham gia thực hiện cùng các bạn

Sau khi hoàn thành chiếc chai nhựa thật đẹp, chúng tôi lại cùng nhau xem những hình ảnh và bàn về ý tưởng cho các hoạt động tiếp theo. Chúng tôi sẽ cùng làm những chiếc hộp, dây cột tóc, túi vải… Từng chút một thôi nhưng sẽ giúp cho môi trường này trở nên xanh hơn, bớt đi rác thải.

Tôi thật cảm ơn An Khanh vì những bí quyết, lời nói của bạn. Bạn còn viết bài cộng tác với báo Thiếu niên Tiền phong & Nhi đồng về cách tái chế, các hoạt động bảo vệ môi trường nữa đấy!

Vũ Ngọc Bảo Hân (Lớp 7, Trường THCS Phan Tây Hồ, Tp.HCM)