Bình minh lên, tôi thức dậy và đi dạo quanh bờ biển. Tình cờ, tôi bắt gặp cảnh một số người dân và du khách vứt rác xuống biển. Họ vứt rác một cách tự nhiên mà không biết rằng biển đang gào khóc. Nếu cứ tiếp tục hành động thiếu ý thức như vậy thì không chỉ môi trường biển mà Trái Đất này cũng sẽ bị phá hủy.
Mùi hôi thối bốc lên làm không khí không còn trong lành. Xác cá bị sóng đánh lên bờ, trôi nổi và nằm ngổn ngang cùng đống rác thải tích tụ lâu ngày. Một khoảng biển xanh đã đổi thành màu đen ngòm, hôi thối. Chứng kiến tình cảnh ấy, tôi thấy thật chạnh lòng. Và kế hoạch tái tạo biển xanh đã nhen nhóm trong tâm trí tôi. Tôi chia sẻ ý tưởng với gia đình, bạn bè và cả những em nhỏ sống gần nhà. Thật hạnh phúc khi mọi người đều hưởng ứng hoạt động tái tạo biển xanh tôi đề ra.
Khoảng sáng sớm và chiều tối, tôi cùng một số bạn bè ra biển để thu gom rác. Chứng kiến hành động của chúng tôi, chín đến mười em nhỏ cũng cầm bao tải ra cùng nhặt rác. Dù có mệt nhọc nhưng các em rất tích cực với hoạt động này.
Dần dần càng có nhiều người tham gia dọn rác thải biển cùng chúng tôi. Vậy nên chúng tôi lập ra một đội tình nguyện tên là “Trái Đất xanh”. Không chỉ ở phạm vi biển, chúng tôi đã cùng tham gia dọn dẹp các con kênh, sông, suối. Nhưng do chưa phân bổ nhân lực nên chúng tôi đã có phần lơ là việc vệ sinh biển. Chúng tôi cũng nhận ra một thực trạng đáng buồn là chỉ cần không chú ý thì bờ biển lại tiếp tục bẩn.
Trong tiếng sóng vỗ dập dìu, tôi nghe thấy tiếng biển đang gào thét, cầu xin con người đừng xả rác bừa bãi. Nhưng có lẽ cũng vô dụng thôi vì chẳng ai có thể nghe thấy được cả. Sẽ chẳng có một đội tình nguyện nào đủ sức làm sạch môi trường, bởi, chỉ có ý thức của con người mới là cách thức duy nhất cứu lấy biển và Trái Đất này!
Bài viết: Lê Huyền Trang (Lớp 4C, Tiểu học Nghi Mỹ, Nghệ An)
Tranh vẽ: Ngô Minh Anh (Lớp 4C, Tiểu học Kiến Hưng, Hà Nội)
Leave a Comment