Ai trong đời mà chẳng có nỗi sợ, chỉ là có nói ra hay thôi, phải không nhỉ? Khi nỗi sợ chưa xuất hiện, chúng ta có thể vui vẻ chạy nhảy như bình thường. Nhưng chỉ cần dấu hiệu nào đó chạm vào “dây thần kinh sợ”, ta sẽ ngay lập tức phản ứng theo kiểu… đóng băng!
Một bí mật đối với nỗi sợ là khi chia sẻ với ai đó, ta dường như sẽ thấy bớt sợ hơn một chút vì cảm thấy được lắng nghe và có khi còn có thể cười vui trên chính nỗi sợ của mình. Đây là điều mà nhóm “Phóng viên nhí” của Chiếc lá kể chuyện đã phát hiện ra đấy!
Một buổi chiều thứ 4, cô Linh và các bạn nhỏ đã ngồi cùng nhau nói chuyện rất sôi nổi về nỗi sợ.
“Ai có nỗi sợ gì thì mời giơ tay!”
Nhóm phóng viên chưa bao giờ giơ tay nhiều đến thế sau lời mời của cô Linh. Bảo Ngọc hào hứng nói: “Con sợ nhiều lắm cô. Con sợ những con động vật này, sợ con chó vì… đáng sợ, sợ côn trùng vì nó dơ, sợ điểm kém vì… sợ.” Nỗi sợ này thật xứng đáng đứng đầu bảng vì tổng hợp được nhiều nỗi sợ của nhiều bạn khác.
Giống như Bảo Ngọc, cô bạn 9 tuổi Gia Hân cũng sợ chó và côn trùng. Nếu như Ngọc rất sợ mỗi lần đến nhà nội chơi vì có con chó giống Alaska rất lớn thì Gia Hân cũng rúm ró mỗi khi nhìn thấy chó dữ ngoài đường.
Khi được hỏi là đã từng chia sẻ nỗi sợ chó với ai chưa thì Gia Hân trả lời: “Rồi cô ơi mà mẹ con cũng sợ chó lắm ạ! Mấy lần con và mẹ đi ngoài đường nếu thấy chó thì hai mẹ con đóng băng tại chỗ luôn, đợi con chó đó đi rồi mới dám đi tiếp. Còn nếu có bố ở đó thì con nhảy luôn lên người bố để bố bế con qua chỗ khác”.
Cô bé Minh Lê vẫn vừa nghe về những nỗi sợ của các bạn vừa tủm tỉm. Có vẻ như cô bé đã rất nôn nao đến lúc được chia sẻ về nỗi sợ của mình nên đã giơ tay liên tục. Và quả thật nỗi sợ của cô cũng khác biệt ghê khi cô bé nói “con sợ con trăn lắm cô ơi!”.
Nguồn cơn bắt đầu nỗi sợ được kể lại là: “Có một lần con đi xe máy đồ chơi trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Thấy mấy anh chị chụp hình với con trăn, thấy anh chị quàng người, con quá sợ, con đông cứng người lại luôn. Bắt đầu từ đó thì con không xem được cái gì liên quan đến trăn nữa, con quá sợ!”.
Cô bé kể ra làm cô Linh cũng liên tưởng đến nỗi sợ của mình: Nỗi sợ rắn. Từ nhỏ thì bất kỳ cái gì liên quan đến rắn là đều có thể khiến cô Linh… chạy mất dép. Ngay cả một con rắn mối hay rắn nước – những loài tưởng chừng như vô hại nhưng cứ nhìn thấy là cô Linh cũng choáng váng.
Triệu chứng của hội chứng sợ rắn bao gồm run, khóc, bỏ chạy, khó thở, tim đập nhanh khi thấy rắn thì cô Linh có đủ những điều này.
Cô đã từng đứng run rẩy bên đường chỉ vì ở con kênh bên dưới có một con rắn nước. Con rắn tung tăng bơi dưới nước, cô Linh đi bộ trên đường – đôi bên chẳng liên quan gì đến nhau, việc ai nấy làm nhưng đúng là sợ thì vẫn cứ sợ thôi!
Sống chung hay tìm cách vượt qua nỗi sợ?
Khi đã nói ra được nỗi sợ, chúng ta sẽ cảm thấy… nhẹ nhõm hơn. Nhưng chắc chắn nỗi sợ vẫn ở đấy nếu như chúng ta chọn tránh né nó.
Có một câu nói thế này trong truyện “Coraline” của Neil Gaiman: “Dũng cảm không phải không sợ hãi. Dũng cảm có nghĩa là dù sợ hãi, ta vẫn chọn làm điều đúng đắn”. Nhưng có những nỗi sợ như điểm kém, làm việc gì đó thất bại thì đôi khi lại dễ dàng đặt nỗi sợ hãi phía sau để làm điều đúng đắn là nỗ lực phấn đấu đạt thành tích cao. Còn nhiều nỗi sợ lại khiến ta chỉ biết nhắm mắt lại và cầu cứu người khác.
Nhưng trước mô hình vạn dạng của nỗi sợ, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một số cách để vượt qua nỗi sợ nhé!
Bạn thấy đấy, để vượt qua một nỗi sợ luôn là điều khó khăn nhưng không phải là không có cách. Và thậm chí nếu chúng ta thử cách này không được thì hãy thử cách khác.
Như Bảo Ngọc chia sẻ: “Cả nhà con biết con sợ chó luôn đó cô! Mỗi lần con về nhà bà nội, bà lại nhốt con chó lớn vào để nó không đe dọa được con. Nhưng nghĩ kỹ lại thì con chó ấy nó cũng hiền mà nó thích con lắm. Cứ mỗi khi con về nhà nội, nó lại cứ chạy loăng quăng ra điều mừng rỡ”.
Với nỗi sợ bóng tối của Thiên Hương, các bạn cô cũng đã tìm cách giúp đỡ: “Biết con sợ bóng tối, các bạn con chơi trò bất ngờ. Đó là khi con đang ở trong phòng thì các bạn tắt điện rồi chạy đi nơi khác. Con sợ nhưng cũng có những lần chịu đựng được bóng tối một mình rồi. Hay các bạn cũng cùng nhau tắt đèn đi và chơi những trò trong bóng tối như là đọc sách bằng đèn pin… rất vui”.
Thật tuyệt khi ở bên cạnh chúng ta luôn có những người thân, người bạn sẵn sàng lắng nghe và cùng ta đi qua những nỗi sợ. Dẫu hôm nay có thể là điều gì đó thật khó để vượt qua nhưng sau này thì sẽ trở thành kỷ niệm đẹp.
Cuối cùng, mong rằng các bạn nhỏ đều có thể phân biệt được đâu là những nỗi sợ tiềm ẩn nguy hiểm cho mình để tránh xa và đâu là những nỗi sợ chỉ vô hình để học cách vượt qua. Và dù có những nỗi sợ, các bạn cũng sẽ lớn lên như những cái cây xanh tươi, mạnh mẽ trong vườn ươm cuộc sống.
Team “phóng viên nhí”
Leave a Comment