Kỷ niệm trung thu mãnh liệt nhất

Từ bé tới lớn, ấn tượng về các ngày trung thu của tôi thường giống nhau. Mặc dù đây là ngày lễ nhưng với tôi, nó lại chẳng khác các ngày bình thường là bao. Trong những năm tháng học mẫu giáo, ngày lễ này thường có thêm một hoạt động thú vị: tự tay làm và thưởng thức bánh trung thu. Nhưng hoạt động này cũng chỉ đem đến sự phấn khích cho tôi vào năm đầu tiên.

Rồi hết những năm tháng mẫu giáo, lên tiểu học, mọi hoạt động cũng dần bị cắt bỏ. Từ lớp Một đến lớp Bốn, lớp tôi sẽ dành một tiết cuối cùng của ngày thứ Sáu để kết hợp tổ chức sinh nhật cho các bạn tháng 8, 9, 10 và tiệc Trung Thu. Trung Thu các năm luôn tẻ nhạt trôi qua như vậy, không để lại nhiều dấu ấn mãnh liệt trong tâm trí tôi.

Cho đến năm 2021, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tôi được bố và mẹ dẫn về quê, trải nghiệm không khí trong lành và tươi mát nơi đây, ngày rằm tháng Tám mới mang đến những cảm xúc đặc biệt.
Tôi vẫn nhớ khi ấy, tôi đang học lớp Năm, chuẩn bị bước vào kì thi chuyển cấp. Vì phải tập trung ôn luyện, các ngày lễ cũng không khiến tôi bận tâm nhiều, hơn nữa, trung thu của tôi cũng chưa bao giờ được tổ chức một cách trọn vẹn. Vậy mà, khi kết thúc tiết học văn, cô giáo đã yêu cầu chúng tôi rằng “Năm nay là một năm đặc biệt, các con có dự định đi chơi hay ở nhà tổ chức “phá cỗ” ngày lễ Trung Thu như thế nào? Hãy ghi lại trải nghiệm của con và chia sẻ cho cô và các bạn trên trang của lớp nhé. Ai có chia sẻ ấn tượng nhất sẽ được cô tặng cho điểm 10 và gửi lên trường.”

Là một lớp trưởng gương mẫu, tôi luôn phải đi đầu trong các hoạt động của lớp. Bài viết này cũng không là ngoại lệ. Sau khi nghe về yêu cầu của bài, tôi đã cảm thấy vô cùng lo lắng và thầm nghĩ: “Những năm trước, ngày lễ này vẫn trôi qua như những ngày bình thường khác. Hơn nữa, năm nay mình còn ở quê, biết viết bài cho cô như nào bây giờ?”

Trái ngược với lo lắng của tôi, buổi tối hôm ấy lại là trung thu tuyệt vời và để lại nhiều ấn tượng nhất trong ký ức. Sau bữa tối, bố mẹ đã kê một chiếc bàn ra giữa sân, cùng tôi bày các loại bánh, kẹo ngọt ra đầy bàn. Tiếng các bài nhạc trung thu hòa với tiếng cười đùa của trẻ con bắt đầu vang lên ngoài ngõ. m thanh nhộn nhịp, tươi vui ấy ngày càng gần hơn với nhà tôi, vì quá tò mò nên tôi đã chạy ra ngoài xem.

Hóa ra là đoàn rước đèn của xóm. Cả đoàn đều là trẻ em, trên tay ai cũng có một chiếc hoặc là đèn ông sao, hoặc là đèn cá chép để chung vui với mọi người. Ngoài ra, cuối đoàn là một người kéo theo chiếc loa lớn, phát những bài nhạc trung thu ý nghĩa. Lần đầu tiên tôi được thấy không khí ngày trung thu thật sự, khi cả xóm được họp lại với nhau, cùng đi rước đèn, có một ngày lễ thật tuyệt vời.
Sau khi đoàn rước đèn đi qua, con ngõ lại trở về với vẻ yên bình vốn có của nó. Hôm ấy là một ngày thu mát dịu, ngọn gió nhè nhẹ làm đung đưa vườn cây. Ngọn gió mang đến hương thơm của hoa mộc nơi đầu nhà, tan vào trong không khí ngọt ngào dịu nhẹ.

Bỗng dưng, tất cả ánh đèn vụt tắt, tôi chuẩn bị thông báo với bố mẹ rằng nhà mình bị mất điện. Tôi chợt khựng lại, một luồng ánh sáng trong trẻo, nhẹ nhàng chiếu sáng mọi thứ. Nhìn ra sân vườn nhỏ bé, tôi ngạc nhiên trước vẻ đẹp lung linh của từng cành cây, ngọn cỏ. Chiếc bàn, cái ghế thường ngày cũng trở nên lấp lánh đến lạ. Lặng lẽ nhìn lên bầu trời, tôi phát hiện ra sự bắt nguồn của ánh sáng ấy, một ông trăng tròn vành vạnh đang mỉm cười, vẫy chào tôi. Đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt chứng kiến mặt trăng gần và bình yên như vậy.

Trăng đêm nay thật đẹp và sáng! Mặt trăng như chiếc đĩa bay khổng lồ hồi chiều được bạn nào ném lên mà quên lấy về. Bố mẹ tới bên tôi và nói “Hôm nay, bố mẹ sẽ cho con trải nghiệm ngày Trung Thu hồi trước, khi điện chưa được dẫn về làng quê.”

Dưới ánh trăng, tôi được nhâm nhi bánh trung thu và nghe bố mẹ kể những câu chuyện xưa cũ, những niềm vui khi chưa có các thiết bị điện tử. Những câu chuyện khiến lòng tôi cảm thấy vui vẻ và thư thái lạ thường. Buổi tối Trung Thu yên bình ấy lại mang đến cảm xúc mãnh liệt nhất trong tôi.

Sáng hôm sau, tôi đã rất nhanh chóng hoàn thành bài viết của mình để chia sẻ với bạn bè và thầy cô. Vài ngày sau, kết quả của bài viết đã có, tiếc thay trong danh sách không có tên của tôi. Mặc dù không được điểm 10, bài viết cũng không được gửi lên trường nhưng, với tôi, đây vẫn luôn là bài viết gợi lại kỉ niệm đặc biệt nhất mà tôi từng có mỗi dịp Trung Thu.

Tạ Hồng Ánh (Lớp 8A1, Trường THCS Nguyễn Tất Thành, Hà Nội)