Trên chuyến tàu dài dằng dặc trở về nhà, tôi ngó ra ngoài khung cửa sổ và thở dài. Bầu trời đen kịt, tạo nên một cảm giác nghẹt thở với những cụm mây xám, nặng nề nhỏ từng giọt nước mắt xuống mặt đất. “Một lúc nữa mưa lại to lên cho coi…”, tôi thầm nghĩ. Nhìn dòng người nhộn nhịp đi qua trước mắt, tôi cứ miên man suy nghĩ đủ điều. Nào là sắp đến kì thì giữa học kì II, nào là chuyện tôi vừa cãi nhau với bạn, lại chuyện tôi phải chạy qua cơn mưa buốt giá mà không có ô che,… Trong khoảnh khắc ấy, tôi thấy mình như đứa con gái bất hạnh nhất cuộc đời vậy, cuộc đời chẳng dành cho tôi một chút diệu kì nào cả.
– Tinh tongggg… tinh tongggg… Đã đến ga An Hưng, ở đây có tuyến xe buýt đi Trần Khánh Dư, công viên Thiên Đường Bảo Sơn…
Tôi chợt giật mình, thoát khỏi dòng suy nghĩ bất tận mà nhanh chóng thu dọn đồ, chân đi như chạy xuống bến xe buýt. Tôi không biết mình đang trốn chạy khỏi cái gì, điều gì khiến tôi sợ hãi đến thế. Cuộc sống học đường, kì thi sắp tới hay những công việc nhà đầy ắp đang chờ đợi, bây giờ tôi còn không thể hiểu được chính tôi nữa. Có quá nhiều thứ đang đè nặng trên tâm trí hay tôi chỉ cảm thấy buồn bực như vậy vì đã trải qua một ngày tệ hại?
Trên lớp, tôi đã cãi nhau với bạn cùng lớp về việc chỉnh góc máy quay sao cho đẹp. Mấy người chúng tôi được cô giáo Địa lý giao cho một nhiệm vụ quay video về đa dạng sinh học, sử dụng tất cả tài nguyên chúng tôi có. Chúng tôi đã rất phấn khích và quyết định xong kịch bản một cách nhanh chóng, tuy nhiên, khi đến phần dựng cảnh, chúng tôi lại không quyết định được việc quay ở góc độ nào. Tôi muốn cảnh quay cận để nhìn rõ từng loại cây, hoa cỏ chúng tôi thu thập được. Các bạn của tôi thì muốn góc quay tổng quát, nhìn được tất cả các loại cây, sinh vật trong một cảnh. Ai cũng nói về lý lẽ, mong muốn của mình, không ai chịu nhường ai nên cuối cùng sinh ra một trận cãi nhau to. Tôi bị cô giáo mắng cho một trận, lại còn bị cô cảnh cáo trừ nửa điểm của sản phẩm cuối cùng. Cãi vã là điều không thể tránh khỏi khi làm việc nhóm nhưng như này thì quá đáng quá!
Bài tập cũng nhiều hơn những tuần trước, tiết học nào thầy cô cũng giao bài tập để chúng tôi ôn luyện cho kỳ thi. Nhiều buổi tôi thức tới hơn 11 giờ đêm để kịp hạn nộp bài, thành thử tâm trạng khi lên lớp cũng không ổn định, hay mệt mỏi. Bây giờ chỉ vài hành động nhỏ của bạn bè cũng làm tôi không hài lòng, to tiếng với người khác. Tôi tự thấy xấu hổ về bản thân nhưng không thể kiềm mình khỏi những hành động kém thân thiện đó, nó in sâu vào tiềm thức tôi như một lẽ ngẫu nhiên để thể hiện sự cáu gắt của mình với xung quanh.
– Con về nhà rồi. Con chào bố mẹ ạ.
Thay vì được chào đón khi về nhà bằng một lời chào của bố mẹ, tôi nghe thấy tiếng khóc của em út vang vọng khắp căn nhà. Tôi cởi giày, cất cặp rồi vào phòng với bố mẹ và em. Mẹ vừa thấy tôi liền cười, lại nói:
– Mít, con giúp mẹ đưa em ra ngoài chơi chút nhé. Em cứ đòi đi chơi mà mẹ lại phải nấu cơm mất rồi.
Tôi định từ chối, vào viết bài văn để gửi cho cô giáo nhưng lại suy nghĩ gì đó, vẫn đưa tay ra đón em. Dù sao thì chơi với các em và giúp đỡ bố mẹ là bổn phận của người chị mà! Sau khi bị em tôi kéo đi khắp nơi, tôi cuối cùng cũng về đến nhà. Vừa ngồi vào bàn, chuẩn bị tâm thế viết văn, mẹ tôi lại gọi:
– Mít ơi, vào phơi quần áo!
– Mít ơi, lấy cho mẹ cái khăn!
Chưa làm xong việc này, mẹ đã gọi tôi đi làm việc khác. Đầu tôi như sắp nổ tung đến nơi, khi mẹ chuẩn bị cất tiếng lần nữa, tôi quay lại nhìn mẹ và gằn giọng lên:
– Mẹ không để con yên được ạ? Con chưa làm xong việc này mẹ đã bắt con đi làm việc khác, con còn chưa được nghỉ ngơi một phút giây nào đâu. Mẹ thôi đi cho con nhờ, mệt chết đi được!
Tôi biết mình đã nói những thứ tồi tệ với mẹ, nhìn vào đôi mắt mẹ, tôi thấy sự đượm buồn và lo lắng, đã lâu rồi tôi mới cáu gắt như thế. Nhưng chưa kịp hối hận, tôi đã buông thõng một câu:
– Thôi con xuống thư viện học đây!
Tôi quay người đi, đeo cặp lên vai mà bước ra khỏi nhà, đầu không ngoảnh lại. Có lẽ tôi không muốn mẹ nhìn thấy đôi mắt sưng đỏ, lấm tấm nước mắt của tôi nên mới không ngoảnh đầu lại. Đâu đó sau cánh cửa nhà tôi vừa đóng chặt, tôi nghe tiếng các em tôi sợ sệt hỏi mẹ “Chị Mít sao thế ạ?” và tiếng an ủi nhẹ nhàng của mẹ vang lên.
Đến được thư viện, tôi cố gắng gạt tất cả những muộn phiền, lo lắng sang một bên để tập trung làm bài tập. Viết được nửa đoạn văn, sự yên tĩnh của thư viện bị xâm chiếm bởi bọn trẻ con ồn ào, vào phòng thư viện để chơi trốn tìm. Tiếng cười đùa của bọn trẻ vang đến khiến tôi không còn tập trung vào bài học được. Tôi vẫn nhẫn nhịn, đợi cho bọn trẻ thấy chán và đi ra khỏi phòng. Thế nhưng khi đi ra khỏi phòng, bọn chúng lại để cửa mở toang hoác, để gió lạnh và tiếng ồn làm phiền tôi tiếp. Khó chịu, tôi kéo sầm cửa lại một cách mạnh bạo.
Như tôi dự đoán, một lúc sau, bọn trẻ lại đến định mở cửa phòng thư viện để chạy vào. Tuy nhiên, bọn trẻ không tài nào mở được cửa và cuối cùng thì bỏ cuộc. Lúc đấy, tôi không nghĩ gì lắm mà chỉ thấy hả hê trong lòng. Làm hết bài văn, tôi thu dọn sách vở định ra về thì phát hiện ra mình cũng không thể mở được cửa.
Tôi hoảng loạn! Đầu tôi đột nhiên muốn phát nổ với hàng loạt suy nghĩ tiêu cực: “Nhỡ đâu mình phải ở đây qua đêm thì sao?”, “Ngày mai liệu mình có ra ngoài được để đi học không”, “Mình còn chưa kịp nói xin lỗi mẹ nữa”,… Tôi tỏ ra bình tĩnh nhưng trong lòng thì hoảng loạn với những nỗi lo sợ. Tôi giật tay nắm cửa liên hồi, mong cho cái ổ khóa của thư viện mở ra.
Trong khoảng thời gian ấy, thỉnh thoảng tôi lại thấy một bóng người đi qua đi lại trước cánh cửa kính của thư viện. Cứ một lúc, ánh mắt người ấy lướt qua người tôi, tôi lại dừng tay, tay tôi phản xạ nhanh hơn cả não, tôi không muốn ai thương hại tôi cả. Đến cuối, tôi vẫn cứng đầu như thế. Khi bóng người khuất khỏi tầm mắt tôi, tôi tiếp tục động tác của mình. Hình như nghe thấy sự hoảng loạn, mông lung của tôi trong tiếng kéo cửa kẽo kẹt, kẽo kẹt…, người ấy quay lại chỗ tôi, cất giọng hỏi:
– Cửa không mở được à cháu?
– Dạ, nó cứ không chịu mở ra – Tôi vừa đáp vừa cúi xuống kéo tay nắm cửa liên hồi.
– Cháu thử giật tay nắm cửa lên rồi đẩy ra thử xem nào.
– Dạ, nó cứ không được… À được rồi, cảm ơn chú ạ!
– Ừ, chào con nhé.
Thế là người ấy biến mất, nhanh chóng như lúc đến để giải cứu tôi khỏi “chiếc lồng” này. Hóa ra không phải cuộc đời không còn trao cho tôi điều kì diệu nữa mà là tôi đã đi quá nhanh mà bỏ lỡ mất những điều kì diệu vốn thật giản đơn trong cuộc sống. Tôi đắm chìm trong quá trình tìm điều diệu kỳ thật to lớn trong cuộc sống mà làm tổn thương rất nhiều người xung quanh như ba mẹ, bạn bè. Tôi tự nhủ, khi về nhà, tôi sẽ xin lỗi tất cả và nói ra tình cảm của mình đối với họ, mong đợi sự bao dung.
Vũ Quỳnh Anh (Lớp 8A1, Trường Phổ thông liên cấp SenTia, Hà Nội)
Leave a Comment