Vào một buổi tối mùa thu nọ, Nụ đang ngồi đọc sách thì một tiếng trống vang lên kéo theo những tiếng rộn rã vui tai, tạo thành một bản nhạc Trung Thu: “Tùng dinh dinh, tùng tùng tùng dinh dinh.”
Đến lúc ấy, Nụ mới nhớ ra hôm nay là Trung thu. Nụ liền chạy như bay đến cửa sổ và ngó ra. Nụ thấy trăng mới đẹp làm sao! Trăng tròn như một quả cầu khổng lồ. Ánh trăng dịu dàng, nhẹ nhàng mà lộng lẫy, kiêu sa như đang khoác một bộ áo dệt từ những sợi bạc tinh túy nhất của đất trời vậy. Rồi phía dưới đường là một đoàn trẻ con đang rộn ràng “hành quân”.
Nụ thấy có bạn cầm bánh kẹo hay gói bim bim, bạn đứa cầm chiếc đèn ông sao, đang tung tăng nhảy chân sáo trên đường, đi theo những chú lân rực rỡ sắc màu phía trước.
Nụ bèn chạy vào phòng bố mẹ và háo hức như đám trẻ con dưới kia, xin bố mẹ đi xem múa lân. Khi bố mẹ đang chuẩn bị, Nụ đã xong rồi. “Mình không có ý xúc phạm đâu”, Nụ nghĩ, “nhưng mà người lớn ấy à, ra ngoài thì phải mặc đồ cho đẹp, trang điểm cho xinh, chả biết người lớn cứ làm như thế làm gì cho mất thời gian ra. Cứ như người lớn đang bị mắc bệnh “đồ đẹp” ấy!’’.
Cuối cùng, bố mẹ Nụ cũng chuẩn bị xong, vậy là Nụ ùa ra ngoài, tay cầm cái đèn ông sao 5 cánh truyền thống. Mỗi khi nhìn chiếc đèn ông sao này, Nụ lại nhớ có lần mẹ kể cho Nụ rằng ngày xưa, mỗi khi vào dịp Trung thu, cậu Mạnh, tức anh của mẹ, lại phải tự làm đèn ông sao bằng giấy và keo. Thời ấy còn phải dùng nhựa cây sung làm keo dán nữa, chứ không có sẵn như bây giờ đâu.
Tối hôm ấy cũng là lần đầu tiên, Nụ xem một tiết mục hay đến như vậy. Từ con lân làm bằng vải là vật vô tri vô giác nay được các chú diễn viên làm cho uyển chuyển, sống động y như thật, từ động tác chồm lên đến chạy của con lân đều đòi hỏi sự luyện tập công phu và sự nhịp nhàng ăn ý của các chú diễn viên.
Sau khi xem múa lân xong, Nụ chơi trò đuổi bắt và đồ cứu với các bạn nhỏ. Dành cho những ai chưa biết trò đồ cứu giống như trò đuổi bắt, nhưng người chơi có thể đồ, đồ có nghĩa là tay trái nằm ngang trước ngực, tay phải gập lại và đặt lên tay trái. Người bắt sẽ không được bắt người đang đồ và người đang đồ cũng không được di chuyển cho tới khi có người chơi khác (người không làm) đến cứu. Và nếu người nào đồ cuối cùng thì người ấy thua và phải đi làm người bắt thay cho người bắt hiện tại.
Khi trò chơi đang diễn ra, thì bỗng nhiên Hoa bị ngã sõng xoài, xước chân và chảy cả máu. Nụ liền chạy lại chỗ Hoa và hỏi Hoa:
– Cậu có sao không, Hoa?
– Tớ không sao, nhưng chắc là tớ không chơi được nữa đâu.
Một bạn khác bảo dừng trò chơi và một bạn nữa chạy ra báo với bố mẹ bạn Hoa. Rồi Hoa ngồi ở ghế đá để nghỉ một lúc.
Nhưng Hoa là người bắt, vậy nếu Hoa nghỉ chơi, vậy ai sẽ là người bắt bây giờ? Các bạn liền chơi oẳn tù tì để quyết định người bắt. “Oẳn tù tì ra cái gì ra cái này”, Nhài thua, nên bây giờ Nhài chính là người bắt mới. Cuộc chơi lại tiếp diễn, tiếng cười giòn giã lại vang lên khắp sân chơi.
Khi về nhà, mẹ và Nụ chuẩn bị cho cỗ Trung Thu, còn bố thì xoay ghế sô-pha ra, chừa một chỗ bức tường trắng để chiếu phim lên. Góc nhà bỗng chốc biến thành một rạp chiếu phim nhỏ. Bộ phim mà cả nhà Nụ quyết định xem là “Công viên diệu kỳ”.
Sau đó, cả nhà quây quần bên nhau, vừa xem phim, vừa ăn bánh kẹo. Phim hay mê ly mà cỗ thì hết chỗ chê. Có bánh quy socola, có kẹo ngậm mà Nụ thích và tất nhiên không thể thiếu được bánh nướng và bánh dẻo Trung Thu. Rồi thì có cả thạch caramel, kẹo Marshmallow, kẹo cam thảo và thạch rau câu nữa…
Nụ tự nhủ: “Bây giờ mình hiểu tại sao Trung thu còn được gọi là Tết Đoàn Viên rồi. Vì Trung Thu là ngày chúng ta cùng quây quần bên nhau, bên mâm cỗ.”
Ánh Dương (5A3)
(Viết dựa trên đề bài: Dựa vào trí tưởng tượng của em, hãy viết một câu chuyện về mùa thu)
Leave a Comment