Phỏng vấn nhanh học sinh ở các miền khác nhau của đất nước về thời tiết mùa hè, nhóm phóng viên nhí đều nhận được các câu trả lời gần giống nhau. Các bạn đều cảm thấy nóng hơn, khắc nghiệt hơn. Bạn Lý Gia Tuệ, hiện đang học lớp 4, Trường tiểu học Nguyễn Tạo (Cà Mau), chia sẻ: “Mình cảm thấy mùa hè năm nay nóng lên, chỗ mình còn có nhiều lúc bị mất điện, mất nước nữa!”.
Mọi người dù già hay trẻ cũng thở than. Những bác làm nông thì kêu về việc thiếu nước để cấy cày. Nhiều bạn nhỏ chỉ cần chạy nhảy chút là áo đã ướt đẫm mồ hôi, đi học về dưới cái nắng gắt thì bị say nắng. Ở thành phố, có tình trạng không ít bạn học sinh trốn vào phòng có điều hòa bất kể thời gian… Tuy nhiên, một điều có thể nhận thấy khi nóng lên là không chỉ gây mệt nhọc mà tiền điện gia đình hay các cơ sở kinh doanh đều tăng cao.
Tại xóm Yên Bình (Nghệ An), sau khi nhận những ý kiến đóng góp, kêu than của người dân về thường xuyên mất điện ở địa phương, bác Minh – xóm trưởng – đã mở một cuộc họp tại nhà văn hóa xóm.
Bác mở đầu buổi họp bằng việc lý giải nguyên nhân mất điện. Đó là do lượng điện sử dụng đang bị quá tải trong mùa hè. Nhu cầu sử dụng tủ lạnh, điều hòa, tivi, máy bơm nước… trong các hộ gia đình đều tăng cao, quá nhiều thiết bị trong giờ cao điểm, sử dụng quá mức điện năng thì các nhà máy điện không đáp ứng kịp, gây ra hiện tượng phải ngừng cung cấp hoặc chập cháy điện.
“Muốn có nguồn điện dùng ổn định thì mỗi hộ gia đình cần phải cố gắng tiết kiệm, không thể dùng vô tội vạ vì nghĩ rằng năng lượng điện là vô hạn. Sử dụng lãng phí không những tốn tiền điện mà còn góp phần gây ra biến đổi khí hậu, trái đất sẽ ngày càng nóng lên. Nó sẽ là một vòng luẩn quẩn, càng nóng lại càng dùng nhiều điện, càng dùng nhiều điện, trái đất lại càng nóng… Người dân xóm ta phải có ý thức, chung tay đoàn kết vì chính cuộc sống của mình trước”.
Bác cũng giải thích thêm rằng, việc tiết kiệm điện còn là một cách bảo vệ môi trường hiệu quả. Vì để sản xuất điện năng, con người phải khai thác than và điều đó gây ô nhiễm nước bởi các chất thải rắn và nước thải từ mỏ than, rừng bị phá hủy, gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong khu vực.
Sau phần trình bày của bác Minh, người dân trong xóm cùng bàn nhau về những cách tiết kiệm điện, sử dụng hợp lý hơn. Cuối cùng, cả xóm đã tổng hợp lại được những gạch đầu dòng để dễ ghi nhớ:
– Khi không cần thiết, hãy tắt các thiết bị không dùng đến như bình nước nóng, đèn điện…
– Sử dụng điện vào buổi ngày thay vì buổi tối, ban đêm
– Không bật quạt quá mạnh hay điều hòa quá lạnh
– Sử dụng năng lượng mặt trời trực tiếp nhiều hơn thay vì các đồ dùng sử dụng điện.
– Dây điện cắm chuyền càng dài thì càng tốn điện nên dùng loại có dây điện ngắn hơn…
– Rút phích cắm của các thiết bị như tivi, quạt… khi không sử dụng
…
Ngoài ra, xóm Yên Bình cũng nhất trí việc sẽ cùng nhau hưởng ứng Giờ Trái Đất được tổ chức hằng năm. Câu chuyện của xóm nhỏ ở Nghệ An này có thể mở rộng ra cho tất cả đất nước. Vì ở đâu, người dân cũng có thể tận dụng các cách trên để sử dụng điện hợp lý, tránh lãng phí, tốt cho mình và tốt cho trái đất này.
Bởi nhiệm vụ của những người đang sống ở thời đại này không chỉ là tiếp quản mà còn phải duy trì một tương lai tốt đẹp cho nhân loại mai sau. Nếu chúng ta muốn thế hệ tương lai được sinh sống khoẻ mạnh và phát triển tốt thì ta cần thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện ngay từ bây giờ.
Bài và tranh minh họa: Vĩnh Thụy (Lớp 6, Trường THCS Võ Thị Sáu, Cà Mau)
Hồng Ánh (Lớp 7, Trường THCS Nguyễn Tất Thành, Hà Nội)
Leave a Comment