Năm 2045 và kỳ nghỉ trong rừng

“Bạn có bao giờ nghĩ đến một kì nghỉ tại khách sạn trong rừng chưa? Nếu có có rồi thì hãy đến đây; còn nếu chưa, khách sạn Trong Cây Cổ Thụ là một khách sạn lí tưởng phục vụ cho kì nghỉ của bạn…”

Quảng cáo đó đã phát hơn một tuần nay và lúc nào cũng văng vẳng trong đầu của Xuân. Cô khát khao và mong muốn được đến nơi đẹp đẽ đó. Những cảnh đẹp trên quảng cáo làm cô chỉ muốn đến đó thật nhanh, đi xa khỏi nơi thành phố với đủ mùi khói bụi, xăng dầu này.

Cuối cùng thì kì nghỉ lễ cũng đến, gia đình cô quyết định đến Ba Vì. Trên đường đi, bà cô liên tục so sánh khung cảnh ở đây từ năm 2010 đến nay đã là năm 2045 và cảm thán về sự thay đổi của nó. Cô thì không quan tâm lắm vì mục đích quan trọng của cô trong chuyến đi là tìm kiếm nguyên liệu cho cái ná cao su mà bấy lâu nay cô chưa thể hoàn thiện.

Đến nơi, gia đình Xuân không mất nhiều thời gian để di chuyển và nhận phòng khách vì khách sạn này được biết đến nhiều nhờ các dịch vụ tiện nghi và hợp lí. Đặc biệt nhất, du khách đều muốn trải nghiệm dịch vụ tiện nghi ánh sáng của khách sạn này.

Khách sạn đặc trưng với một cây cổ thụ khổng lồ. Đứng trước cửa khách sạn, Xuân hết sức ngỡ ngàng bởi vẻ to lớn của loài cây này. Theo thông tin được cung cấp, cây cổ thụ này có những tán lá rộng là nhờ áp dụng công nghệ hấp thụ ánh sáng để quang hợp và chuyển hóa thành năng lượng mặt trời… Đứng từ tầng cao nhất trong thân cây nhìn xuống dưới, cô thấy mình như đang lạc giữa một rừng cây xanh mướt với từng đàn chim tung cánh bay lượn. Xuân không còn cảm giác mỏi mắt mà cảm thấy thật dễ chịu và thư thái.

Đang là đầu mùa xuân nên khí trời có phần se lạnh. Cả gia đình cô xuất phát từ khách sạn và di chuyển đến chùa Linh Thông để cầu chúc những điều tốt đẹp. Từ bên ngoài , cảm giác lạnh vẫn còn nguyên .”Rõ ràng năm nay lạnh hơn những năm trước, hẳn là do biến đổi khí hậu đây” – Xuân thầm nghĩ. Khoảng bốn giờ chiều, cả gia đình làm theo lời hướng dẫn của nhân viên khách sạn, và sử dụng các dịch vụ nước nóng trước khi trời tối để không làm phí những năng lượng đã tích trữ trong ngày.

Buổi tối, cả gia đình đều đi ngủ từ sớm để giữ sức khỏe và để không gây tiêu hao không sử năng lượng sau sáu giờ chiều… Xuân chưa ngủ mà ngồi ngắm nhìn cảnh sắc buổi tối ở rừng. Qua tán cây, cô nhìn thấy một đàn đom đóm lung linh làm sáng rực một phần của không gian. Hướng mắt lên cao, Xuân quan sát các vì sao lấp lánh. Nhưng vì các tán cây xòe rộng nên cô chỉ có thể nhìn thấy ánh sáng lác đác của chúng. Thi thoảng, một cơn gió thổi đến lại làm các cành cây đung đưa xào xạc. Dường như gió thổi cả vào không gian mùi hương thơm dịu của đất, mùi hơi nước ngòn ngọt và làm dịu cả tâm hồn Xuân.

Bà nội bỗng tỉnh giấc, thấy Xuân chưa ngủ nên bà nhắc nhở:

“Sao con chưa ngủ? Để gió lùa vào sẽ bị ốm đấy!” Nói xong, bà đóng cánh cửa sổ lại và cùng cô ngắm cánh rừng đêm qua tấm kính. Một câu hỏi nảy ra trong đầu Xuân:

“Bà ơi, khách sạn này có những chiếc lá hấp thụ ánh sáng mặt trời rồi chuyển thành năng lượng để khách hàng bên trong sử dụng. Để chuyển hóa như vậy, cây này chẳng phải sẽ được coi là một cỗ máy và cỗ máy này sẽ cần năng lượng để vận hành. Liệu chúng có bị quá tải khi chúng ta sử dụng quá nhiều vào một buổi chiều và chẳng sử dụng gì vào buổi tối hay không? Buổi sáng đa phần mọi người đều đi chơi, đi tham quan những nơi khác ngoài khách sạn nên đa phần không dùng đến năng lượng. Theo con thấy, ngoài bảo vệ môi trường ra, khách sạn này có nhiều điều con không thích vì nó khá bất tiện khi sử dụng.”

Bà rất bất ngờ về suy nghĩ của xuân khi em mới chỉ mười tuổi mà đã hiểu được vấn đề này, bà nói:

“Thực tế không chỉ khách sạn này có sự bất tiện khi sử dụng năng lượng mặt trời mà hiện nay có nhiều ngôi nhà, cơ sở cũng đang gặp phải những bất tiện đó. Tuy nhiên thứ gì cũng có mặt tốt và mặt xấu. Dù thân thiện với môi trường nhưng việc năng lượng không thể sử dụng vào buổi tối lại khiến chúng ta quay về vòng lặp của việc dùng điện năng. Cháu rất thông minh Xuân ạ, lúc nào cũng có cách nhìn nhận vấn đề rất đặc biệt. Có lẽ trong tương lai, cháu có thể là một kĩ sư, một chuyên viên nghiên cứu về cách sử dụng năng lượng mặt trời sao cho tiện lợi và thật an toàn thì sao? Phải rồi, bà vừa nhớ ra, cháu đang thiết kế một cái ná cao su phải không? Cháu làm nó đến đâu rồi? ”

Xuân vui vẻ trả lời :

“Rất tốt ạ, cháu đã có đủ những nguyên liệu tốt nhất của thiên nhiên”.

Xuân và bà của cô bé cứ thế nói chuyện đến khi mặt trời dần nhô lên. Ánh sáng mặt trời rọi qua khe cửa và nhẹ nhàng đánh thức gia đình Xuân. Xuân đã thiếp đi từ lúc nào không hay, còn bà nội thì nhìn vào ánh nắng của đầu mùa xuân và hướng mắt về cô cháu gái đang say giấc. Bà dịu dàng thì thầm bên tai cô cháu:” Dù mai sau cháu có làm bất cứ công việc nào, cháu hãy làm nó với một năng lượng tích cực và lạc quan, Xuân nhé”.

Đó là kí ức của Xuân khi còn nhỏ, giờ đây cô đã và đang trở thành một giảng viên về năng lượng. Cô vẫn thường xuyên lên giảng đường và giảng lại những kiến thức chuyên môn của mình cho sinh viên. Đồng thời cô cũng nghiên cứu cách sử dụng năng lượng mặt trời sao cho tiện lợi và an toàn nhất. Cô cứ miệt mài nghiên cứu mỗi khi nghĩ về người bà đã khuất của mình cùng với niềm tin về một tương lai sử dụng năng lượng mới tốt hơn. Đâu ai biết được liệu cô có thành công hay không, nhưng với năng lượng tích cực thì điều này hoàn toàn có thể chứ.

Bài và tranh minh họa: Phạm Ban Mai
Lớp 7, Trường THCS Lương Yên, Hà Nội