Trái Đất bị ốm

“Hắt xì! Hắt xì… Ôi sao nóng thế này, mệt quá!” Trái Đất rên rỉ với ông Thần Mưa.

“Ồ để ta xem nào, có lẽ cháu bị ốm rồi!” Ông Thần Mưa vừa sờ trán Trái Đất vừa lo lắng. Ông thốt lên: “Nguy rồi, nguy rồi, cháu sốt cao quá!”

“Cả người cháu đang nóng phừng phừng lên như lửa đốt, cổ họng cháu rát khô, phồng rộp và cảm giác như thân hình cháu đang… đang… muốn vỡ tung ra, ông ạ.” Trái Đất đau đớn kêu lên.

Ông Thần Mưa hoảng hốt, loay hoay tìm cách làm mát dịu Trái Đất. Một ý nghĩ khủng khiếp thoáng qua trong đầu ông: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Trái Đất bị nứt toác? Mọi vật sẽ ra sao? Những loài cây, động vật và cả những con người nhỏ bé đáng yêu nữa… Ông thấy rùng mình. Chợt, ông nghĩ đến những hạt mưa. Những cơn mưa liên tiếp có lẽ sẽ giúp cho Trái Đất hạ nhiệt.

Thế là, những đợt mây đen lũ lượt kéo đến. Mưa rào rào cả ngày lẫn đêm, từ ngày này qua ngày khác. Sấm chớp xé rách bầu trời đen kịt. Những luồng gió mát lạnh, rét buốt như cuồng phong thi nhau quăng quật khắp nơi. Nước đổ xuống như trút làm trắng xoá cả bầu trời.

Dưới sức mạnh khủng khiếp của tự nhiên, nhà cửa bị sập, cây cối bật gốc nằm chỏng chơ, đất đai nứt toác, hoa màu bị tàn phá. Khung cảnh làng mạc trở nên thảm hại hơn bao giờ hết! Ngôi nhà nhỏ của gia đình Lucy bị giật phăng phần mái và chỉ còn lại chiếc khung trống hoác với những đồ đạc vỡ vụn!

Trên vùng cao, núi đồi sạt lở, đất đá mềm nhũn, rung lắc rồi trôi theo dòng. Chúng san lấp những con đường và khu sinh sống của con người. Nước lớn chảy xiết từ thượng nguồn làm cây cối bật gốc. Nhà của Thỏ Peter và Hươu Sao cũng theo dòng nước trôi đi, chỉ để lại những mảnh gỗ vụn mắc kẹt giữa các khe nước nhỏ.

Những ngày mưa đằng đẵng qua đi thì những ngày nắng gắt lại đến, nắng ran, không khí khô khốc, đặc quánh. Mất mùa triền miên, cây cối héo rũ không thể ngoi lên khỏi mặt đất, chim chóc, muông loài rũ rượi trong những hang động tối om. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, từ vùng đồng bằng gia đình Lucy đang sinh sống tới miền núi cao, nơi gia đình Thỏ Peter, Hươu Sao cùng muông thú sinh sống đều trở nên thảm hại. Cuộc sống của muôn loài rơi vào tình cảnh khó khăn, khắc nghiệt.

Hoang mang, sợ hãi, những cư dân bắt đầu nhận ra sự bất thường của Trái Đất. Họ hoảng hốt kháo với nhau rằng: “Trái Đất hẳn đã bị ốm, ốm rất nặng, chúng mình phải làm gì bây giờ?”. Khắp vùng ai nấy đều tỏ vẻ lo lắng, hoảng sợ trước sự việc này. Họ thì thào to nhỏ, thỉnh thoảng có vài tiếng kêu thất thanh vang ra từ góc nào đó để rên rỉ cho số phận hẩm hiu của mình. Cây chẳng buồn đâm chồi, nảy mầm, chim chẳng buồn hót, mọi vật đều lặng thinh khiến cho không khí càng trở nên ảm đạm.

Trước nỗi lo lắng khôn nguôi của mọi người, gia đình Thỏ Peter và Hươu Sao đã đứng dậy và cùng các dân tộc miền núi kêu gọi mọi người từ khắp nơi cùng nhau cứu giúp Trái Đất – ngôi nhà chung của tất cả mọi người. Mọi người tụ họp lại để bàn luận cùng nhau.

Lucy lên tiếng: “Ông cố tớ kể rằng, ở sâu trong dãy núi cao nhất có Cây Phù Thủy đã sống hàng tỷ năm. Cây biết tường tận mọi điều trên khắp thế gian này. Hay là chúng ta đi tìm Cây Phù Thủy để hỏi cách cứu Trái Đất?”

Mọi người đồng thanh đồng ý và nhanh chóng cử ra nhóm thiếu niên anh dũng, mạnh mẽ nhất để lên đường. Nhóm bạn đi mãi, đi mãi, qua những ngọn núi dựng cheo leo, qua những đầm lầy đầy bùn đất, dầm mưa dãi nắng và cuối cùng họ đã đặt chân tới núi Phù Phép. Trước mắt họ là Rừng Kết Nối, nơi vạn vật sống động, xì xào như khe khẽ thì thầm với nhau. Nương theo những vách đá, theo sự dẫn lối của cây rừng, nhóm bạn đã tìm thấy cây Phù Thủy. Cây Phù Thủy là một cây cổ thụ to lớn, rễ dài chĩa ra như những con trăn khổng lồ. Tán cây rậm rạp tựa chiếc ô khổng lồ vươn cao bao trùm cả ngọn núi.
Thỏ Peter nhanh nhảu: “Chúng cháu chào cây Phù Thủy ạ. Ông ơi, ông có biết vì sao Trái Đất bị ốm không ạ?”

Cây ôn tồn giải thích: “À, đó là vì sự ô nhiễm môi trường đấy, Trái Đất cạn kiệt năng lượng sạch lại phải nhận vào mình hàng loạt tấn khí thải độc hại mỗi ngày từ các nhà máy, giao thông và rác thải nên đã không chịu nổi. Các cháu hãy thay đổi lối sống, giữ gìn môi trường sạch đẹp, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo như mặt trời, gió và nước… Dần dần Trái Đất sẽ khỏe mạnh trở lại.”
Cả nhóm hồ hởi như tìm thấy tia sáng. Họ đồng thanh cảm ơn cây Phù Thủy và nhanh chóng trở về nhà.

Khi quay lại ngôi nhà của mình, tất cả mọi người đều thay đổi lối sống. Họ tiết kiệm năng lượng bằng cách sử dụng những tấm pin mặt trời, tận dụng nguồn năng lượng từ gió và nước. Những loài động vật và đồng bào dân tộc miền núi chọn những loại vật liệu xây dựng phù hợp, thân thiện với tự nhiên. Con người dùng những viên đá to và những thanh gỗ, bụi rơm để tạo ra một căn nhà vững chãi. Thỏ, cáo, chồn đào những hố dưới lòng đất, sư tử, báo, hổ chọn những hang to để trú ngụ. Đặc biệt, nhà máy, xí nghiệp đều có phương án xử lí rác thải hiệu quả và nguồn nước không còn đen đặc trong sự ô nhiễm.
Chẳng mấy chốc, không khí đã trở nên trong lành hơn, cây cối bắt đầu mọc xanh trở lại, những thác nước hiền hoà chảy róc rách, chim chóc đua nhau ca hát, Trái Đất cũng cảm thấy khỏe khoắn hơn. Chiếc áo màu nâu bạc xác xơ nay đã được thay bởi chiếc áo xanh mềm mại, mơn mởn, toả ngát hương từ những loài hoa cỏ trong rừng. Trái Đất reo lên: “Ôi, mình khỏe lại rồi, thật sung sướng!”

Kể từ đó, mọi người chú ý nhiều hơn đến lối sống xanh để bảo vệ Trái Đất. Họ cùng nhau tuyên truyền, cùng nhau hành động, rủ rỉ nhau các cách để giữ gìn và bảo vệ cho người bạn Trái Đất. Tùy theo sức của mình, người lớn làm việc lớn, người nhỏ làm việc nhỏ, mỗi người đều chung tay cứu giúp Trái Đất và yêu thương Trái Đất nhiều hơn. Những người bạn nhỏ đã: Sử dụng ít túi nilon, đồ dùng nhựa; vứt rác đúng chỗ; trồng cây xanh và cùng nhau kêu gọi mọi người sử dụng đồ dùng tái chế. Còn người lớn thì làm gương cho những bạn nhỏ bằng những hành động có ích cho môi trường như sử dụng các chất liệu thuận tự nhiên, hạn chế vứt rác thải, chất độc hại ra môi trường…

Đôi khi chỉ là những hành động nhỏ của chúng ta mỗi ngày cũng là hành động lớn để bảo vệ người bạn Trái Đất. Hãy cùng nhau hành động vì môi trường xanh – sạch – đẹp, vì Trái Đất xanh – mát – lành.

Bài và tranh minh họa:Nguyễn Mai Khanh
Lớp 3, CLB Ngôn ngữ và EQ, Thành phố Vinh, Tỉnh Nghệ An.